Siêu Giai Tri - Các chuyên gia đã từng phân tích và đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng ly hôn. Nhưng có một điều mà từ trước đến nay chưa ai đề cập, đó chính là sự nhẫm lẫn trong việc lựa chọn bạn đời.
Cũng vì sự nhầm lẫn này đã dẫn tới những vỡ mộng sau hôn nhân, là khởi nguồn của mọi sự đổ vỡ.
Phần 1: Vỡ mộng
Không hiếm phụ nữ sẵn sàng đánh đổi sự giàu có mà mình lựa chọn ban đầu để đến với một tình yêu nảy sinh từ các mối quan hệ xã hội. |
Có người chọn chồng giàu vì thấy “cần tiền”, cũng có người mơ về “một mái nhà tranh hai trái tim vàng” vì cần… tình yêu. Sự lựa chọn tưởng chừng đúng đắn đó hóa ra vẫn sai, dẫn đến những vỡ mộng đáng tiếc.
Chọn giàu hay nghèo đều... khổ
Thu Uyên tốt nghiệp Khoa Sử Trường ĐH KHXH&NV cách đây hơn 10 năm. Quê Uyên ở Yên Bái, bố mẹ là nông dân, về quê khó xin việc nên cô ở lại Hà Nội. Phải làm đủ nghề để kiếm sống, mãi Uyên mới xin được công việc làm văn phòng ở một công ty tư nhân. Những năm tháng chật vật với việc học tập, tìm kiếm việc làm đủ để Uyên hiểu rằng tiền bạc là vô cùng quan trọng. Cách nghĩ đó ám ảnh cả vào lúc Uyên đi lấy chồng.
Chồng Uyên du học ở Mỹ về, gia đình rất giàu có. Những tưởng sẽ được mát mặt vì chồng có “nhà mặt phố, bố làm to”, nhưng hoàn toàn không phải vậy. Về làm dâu, Uyên mới cảm hết sự lạc lõng của mình. Lúc nào bố mẹ chồng cũng coi cô như “chuột sa vào chĩnh gạo”, vì thế Uyên “phải ngoan”, phải biết cách phục tùng.
Những lúc vợ chồng Uyên mâu thuẫn, cả bố mẹ chồng, em chồng đều đứng về “phía kia”. Hảo, chồng Uyên mang tiếng là đi du học về nhưng lại nhiễm cách sống “trên tiền” của gia đình. Bản thân Hảo có thể tiêu cả chục triệu đồng mỗi đêm nhưng chưa bao giờ biết chia sẻ vấn đề tài chính gia đình với vợ. Uyên không có quyền bàn bạc, quyết định những vấn đề trong gia đình. Ngay cả vấn đề dạy con, Uyên cũng bị bố mẹ chồng o bế là phải thế này, thế khác...
Ngược lại với Uyên, Thảo lại không đặt nặng vấn đề kinh tế khi đi lấy chồng. Thảo yêu Thân qua mạng, biết anh là một người hiền lành, hiểu biết. Nhưng anh bị suy thận, phải chạy thận để duy trì sự sống. Giữa họ có sự đồng cảm kỳ lạ, khi biết bệnh tật của Thân và hoàn cảnh gia đình nghèo túng, Thảo vẫn bất chấp. Họ lấy nhau trong sự lo lắng của nhiều người, đặc biệt là bố mẹ Thảo.
Và rồi điều lo lắng đã thành sự thật. Từ ngày lấy chồng, dường như tất cả mọi nguồn thu nhập của Thảo chỉ dồn cho Thân chữa bệnh. Từ tiền chạy thận, tiền thuốc hàng ngày, chi tiêu cho gia đình... như vòng xoáy cuốn Thảo vào đó. Sau 5 năm lấy chồng, Thảo già đi trông thấy. Sự khó khăn về tài chính, về bệnh tật, rồi tính cách của chồng thay đổi khiến Thảo thấy mệt mỏi.
Tiền hay tình quan trọng hơn?
“Để có cuộc sống hạnh phúc phải cân bằng cả yếu tố tình cảm với yếu tố kinh tế và các giá trị khác. Nếu thiên hướng chỉ có một mặt (tiền bạc hay tình cảm) thì hôn nhân dễ gặp sóng gió như xung đột về cách chi tiêu, coi trọng tiền bạc hơn tình cảm, có lối sống trọng vật chất. Khi khó khăn về kinh tế, tình cảm bị sứt mẻ, vợ chồng dằn vặt, chì chiết nhau, lúc đó sự đổ vỡ đã đến tận nhà gõ cửa”. Nhà tham vấn tâm lý Minh Hoàng |
Theo chuyên gia tâm lý Hà Ngọc Lan, Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống, “lấy vì ham giàu” hay “lấy vì yêu” thực chất là hai thái cực của một vấn đề và đều liên quan đến tài chính. Có người lấy tiêu chí về khả năng tài chính để chọn chồng, có người bất chấp vấn đề giàu nghèo vì yêu nhưng rốt cuộc vẫn dẫn đến những vỡ mộng sau hôn nhân.
Sai lầm phổ biến nhất là nhầm tưởng mong muốn của hiện tại với nhu cầu của tương lai.Người thiếu thốn vật chất thì nghĩ “tiền là trên hết”, người thiếu thốn tình cảm thì nghĩ “tình cảm là trên hết”. Trong khi đó, hôn nhân lại là tổng hợp của mọi nhu cầu.
Bà Lan cho rằng, trong hôn nhân, tình yêu và tài chính là hai yêu tố “cần và đủ”, phải là 50/50, cùng nhau song hành không thể tách rời”.
Nhà tham vấn tâm lý Minh Hoàng (Trung tâm tham vấn tâm lý Tân Trí Việt) cho biết: Trên thực tế, có nhiều cô gái chọn chồng giàu để làm chỗ dựa. Có thể họ tìm được chỗ dựa về kinh tế nhưng do không xuất phát từ tình yêu nên rất dễ nảy sinh bi kịch sau hôn nhân.
Không hiếm phụ nữ sau hôn nhân sẵn sàng đánh đổi sự giàu có mà mình lựa chọn ban đầu để đến với một tình yêu được nảy sinh do các mối quan hệ xã hội mang lại.
Cũng có không ít cô gái bất chấp mọi khó khăn để lấy được người mình yêu, nhưng do không lường được sức mình nên cũng không đạt được hạnh phúc. Lúc này họ mới “vỡ” ra một sự thật rằng “cái nghèo vào nhà, tình đi ra ngõ”... thì đã quá muộn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét