(Sieu Giai Tri) – Đó là khẳng định của NSƯT Thành Lộc trước những lời chê bai “nhạt”, “thiếu sáng tạo” mà khán giả dành cho chương trình Vietnam’s Got Talent: “Có một điều mà tôi thấy công chúng đôi khi hơi bị đi quá đà là mọi người cứ thích ban giám khảo đi theo luật của họ. Mọi người nên nhớ là mọi người đang xem chương trình đó thì phải theo luật của tôi”.
- Giờ giám khảo là một nghề đang hot, phải chăng vì thế mà anh nhận lời ngồi ghế nóng Vietnam’s Got Talent?
- Xưa nay, tôi không nhận lời làm giám khảo cho bất cứ một cuộc thi nào, dù có rất nhiều lời mời. Vì thứ nhất, tôi rất ngại đánh giá người khác, không bao giờ làm được việc đó. Chuyện đánh giá sẽ rất dễ làm tổn thương người ta, mà ở đời này ai hơn ai được cái gì mà “người này chấm người kia”. Nhưng bởi cuộc thi Got Talent là một format nổi tiếng trên thế giới rồi nên tôi thấy có rất nhiều điểm có thể đồng hành với nó được.
Mục đích của chúng tôi là khơi gợi khả năng tiềm tàng của mỗi con người mà nhiều khi họ mặc cảm hoặc họ không tự tin mà để cho tài năng của mình mai một. Công việc của chúng tôi là khơi gợi động viên họ hãy tự tin vào chính mình. Dù bạn có là ai đi chăng nữa thì hãy giữ đúng “màu của bạn”. Riêng lý do này thôi, tôi đã thấy nó rất phù hợp với tôi, con người cũng như cách sống của tôi nên tôi mới nhận lời làm giám khảo chương trình này.
NSƯT Thành Lộc với một pha hài hước trên ghế giám khảo Vietnam’s Got Talent |
- Qua vòng loại ở khắp mọi miền đất nước, anh đã xem các tài năng Việt Nam rồi, anh thấy những gì mình xem đã đáng được gọi là tài năng chưa?
- Thực ra đây là mùa thứ nhất nên rất khó nói một cách cho nó hoàn hảo được. Bởi ngay ở phiên bản gốc tại Anh thì phải sang mùa thứ 5 người ta mới tìm được Susan Boyle. Cho nên mùa thứ nhất, mùa thứ hai chưa chắc mình đã tìm được tài năng thực sự đâu. Đặc biệt là đối với người Châu Á nói chung và với người Việt Nam nói riêng, họ khép nép lắm.
Người Việt Nam mình ít có dịp thể hiện mình, thể hiện nhiều quá thì người ta lại đánh giá mình không khiêm tốn. Cái đó là do cách sống của của người Châu Á mình từ xưa để lại. Nên Vietnam’s Got Talent lấy tiêu chí là vận động khuyến kích người tham gia thể hiện hết những gì mình có ra ngoài. Do đó mà ở mùa thứ nhất này thì tôi không thể nói, tôi tin là có, hay chắc chắn có tài năng thực thụ.
Hơn nữa với khán giả xem truyền hình thì chương trình cũng mới bắt đầu phát tới tập thứ 3. Cũng rất khó để nói được cái gì lắm. Nhưng mà tôi có thể nói một cách không chính thức thì cách đây mấy ngày chương trình mới hoàn thành phần sơ loại sân khấu phía Nam. Chúng tôi có thể tin rằng cả ở phía Nam và phía Bắc sẽ có những nhân tố mà mình tin họ có khả năng đi vào vòng trong và càng đi vào sâu họ sẽ càng hay hơn. Còn để nói “ô nhiều tiềm năng lắm” thì không thể nói được.
Bởi vì có rất nhiều bất ngờ. Ngay cả giám khảo và BTC cũng không thể nào đoán trước được sự “xuất thần” của thí sinh. Chẳng hạn ở vòng sơ loại, ngoài sảnh nhiều tiết mục rất hay nhưng khi vào vòng sơ loại sân khấu thì tụt hẳn luôn. Vì họ là những người không chuyên nên khi bước ra sân khấu có khán giả cả trăm người thì họ lại làm không hay. Ngược lại, có những người lại làm khác hẳn, vòng sơ loại thì bình thường nhưng vào vòng sơ loại sân khấu thì lại bật lên hẳn. Do đó ở vị trí giám khảo tôi cũng thấy thú vị ghê lắm, bởi vì có quá nhiều những bất ngờ trong mỗi tiết mục. Thậm chí có những tiết mục mà giám khảo vòng sơ loại nói trước với tụi tôi là không có gì để xem đâu, nhưng khi họ diễn lại khiến chúng tôi bất ngờ.
- Dù mới phát sóng những tập đầu tiên những rất nhiều ý kiến cho răng thí sinh của Vietnam’s Got Talent thiếu sáng tạo và chương trình cũng thiếu những thí sinh gây chú ý. Ở vị trí giám khảo, anh có thấy đây là vấn đề không?
- Việc thiếu sáng tạo và chưa có sự đột phá trong các tiết mục đã phát sóng là có. Nhưng mọi người cũng cần hiểu đây là chương trình truyền hình thực tế, nên khi phát sóng, chúng tôi cũng phải lựa chọn. Cũng phải giấu bớt tài năng đi để càng những tập về sau chúng tôi mới bung ra những nhân tố thuyết phục. Chứ nếu cứ bung ra hết từ đầu thì sau chẳng có gì để coi cả. Đó là format của chương trình ngay từ ở nước ngoài, người ta đã làm vậy nên chúng tôi phải làm như thế.
Như tôi đã nói, mục đích của chúng tôi trong mùa thứ nhất này giống như là những bà đỡ cho các tài năng. Họ đến đăng ký thi với chúng tôi đã là một sự dũng cảm ghê gớm rồi. Giờ làm một cái gì đó mà dập tắt ngay ngọn lửa đam mê của họ thì chắc chắn mùa thứ hai họ sẽ không thi nữa.
- Nhưng nếu cứ chỉ động viên, vuốt ve thí sinh không thôi , e rằng công chúng sẽ thấy vai trò giám khảo của anh “nhạt”. Anh không sợ bị “ném đá” sao?- Tôi không quan tâm đến chuyện đấy lắm. Vì tôi nghĩ nhà tổ chức khi đã mời ai làm giám khảo thì người ta muốn “người đó là người đó”. Người ta mời tôi vì người ta muốn có chất Thành Lộc trong ban giám khảo. Nên tôi phải thể hiện đúng cái chất của tôi. Và mỗi cuộc thi có luật của nó. Ai là người cầm cân nảy mực cho luật đó? Chính là ban giám khảo.
Có một điều mà tôi thấy công chúng đôi khi hơi bị đi quá đà là mọi người cứ thích ban giám khảo đi theo luật của họ. Mọi người nên nhớ là mọi người đang xem chương trình đó thì phải theo luật của tôi. Luật đó là di chúng tôi đưa ra và chúng tôi có những tiêu chí của chúng tôi và khán giả phải xem theo cái luật mà tôi đưa ra. Chứ không phải khán giả có quyền bắt tôi làm theo luật của khán giả.
Đôi khi khán giả cứ thích người này phải như thế này, người kia phải như thế kia. Nhưng tại sao không cho tụi tôi là tụi tôi. Đó mới là công bằng chứ?
- Vậy những gì khán giả đã nhìn thấy ở Thành Lộc trên sân khấu Got Talent đã là đúng chất Thành Lộc chưa?
- Tôi không quan tâm tôi làm đúng hay chưa. Tôi thế nào thì tôi thể hiện như thế ấy. Nhân đây, tôi cũng nói thêm, đôi khi tiết mục không đến nỗi mà sao ban giám khảo cứ làm quá lên. Bởi vì khi phát sóng hiệu ứng âm thanh không giống như chúng tôi coi trực tiếp cho nên hiệu ứng giảm đi rất nhiều. Có những trường hợp thí sinh hát rất hay nhưng khi phát sóng thì bị mono. Mọi người xem sẽ thấy bình thường.
Hơn nữa, cảm xúc của người xem là lần thứ hai không giống như cảm xúc của chúng tôi và khán giả tại trường quay khi xem trực tiếp. Rõ ràng, những cảm xúc của giám khảo chúng tôi không khác với cảm xúc của khán giả coi trực tiếp lúc đó. Khán giả xem trực tiếp tại đó đứng lên nhảy nhót thì chúng tôi cũng đứng lên nhảy nhót chứ không phải là chúng tôi nhảy nhót khi khản giả ngồi yên, không thích. Nếu các bạn tinh ý thì sẽ thấy điều đó.
Một điều nữa là mỗi chương trình có luật lệ riêng, ở vòng loại sơ tuyển chúng tôi không đi vào phê phán quá nhiều về phần kỹ thuật. Vì đại đa số thí sinh là không chuyên. Mình đi sâu vào những nhận xét mang tính bài bản thì chỉ chết người ta thôi. Việc của mình là đang đi khơi gợi người ta tin vào khả năng của họ. Khi nào họ vào vòng trong và vòng bán kết thì chúng tôi sẽ góp ý cho họ về kỹ thuật nhiều hơn. Tôi tránh hết sức không làm tổn thương thí sinh. Không phải như những cuộc thi kia là làm tổn thương thí sinh. Mục đích của chúng tôi không phải vậy.
- Nếu không muốn làm tổn thương thí sinh, không muốn nhận xét sâu về kỹ thuật thì hoá ra ngồi ghế nóng chỉ để chơi?- Không phải! Đó là luật của chúng tôi. Không ai có thể lấy luật của một cuộc thi nào áp vào cho chúng tôi. Thí dụ chúng tôi làm sao lấy tiêu chí của America’s Idol để áp lên Vietnam’s Got Talent, áp đặt thế thì thí sinh người ta bỏ thi hết.
Điều quan trọng với tụi tôi là phải làm cho thí sinh yêu thích cái việc họ đang làm. Chúng tôi phải là người phát hiện ra những tài năng tiềm ẩn của mỗi con người. Chẳng hạn như có những người giọng hát rất hay, nhưng họ hát rất vô hồn. Ngược lại có những người giọng hát chỉ tương đối thôi nhưng họ truyền hết máu lửa và sự say xưa của họ vào công việc của họ. Và ngọn lửa đó truyền được đến chúng tôi. Đó là điều rất quan trọng. Chúng tôi đánh giá cao sức sống trong mỗi tiết mục của thí sinh. Cái này tôi xin lỗi là nhiều khi chuyên nghiệp không bằng nghiệp dư đâu.
Cho nên tôi chỉ muốn nói, dân cư mạng mà, ai cũng muốn có quyền của mình, ai cũng muốn phát biểu của mình đúng. Nhưng tôi chỉ chốt lại, ai nói gì thì nói, tụi tôi có luật của tui tội.
- Vậy nên dù công chúng có chê giám khảo nhạt, có chê thí sinh không ra gì thì anh vẫn cứ theo luật của anh, không cần đếm xỉa gì đến khán giả?
- Thì đúng rồi! Đây là chương trình của chúng tôi nên phải theo tiêu chí của chúng tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét