Giai Tri - Cư dân mạng đang có nhiều tranh luận qua cách dạy con kiểu khắc nghiệt của Ami Chua (người Mỹ gốc Hoa) với cuốn sách "Khúc chiến ca của mẹ Hổ" và Xiao Baiyou (Trung Quốc) với cuốn: "Bố Sói: Con tài năng chỉ xuất hiện dưới đòn roi" nhằm rèn trẻ thành tài năng.
Biện pháp giáo dục trên liệu có nên áp dụng ở Việt Nam?
Dạy trẻ khắc nghiệt có thể để lại nhiều hệ lụy. Ảnh minh họa |
Dạy con khắc nghiệt
Dạy trẻ khắc nghiệt có thể khiến trẻ: - Giao tiếp kém, ít bạn bè, sống bó mình, không có khả năng hòa đồng hay làm việc tập thể. - Thể chất kém. - Tiếp cận thông tin một chiều, nhận thức xã hội yếu, ngơ ngác trước những việc bình thường nhất. - Dạy con khắc nghiệt có thể khiến cho đứa trẻ trở thành một thần đồng, nhưng cuộc sống sẽ không thoải mái, vui vẻ mà hay lo lắng, nhiều trẻ học rất giỏi nhưng lại bị trầm cảm, tự kỉ, khó hoà nhập với mọi người. Hệ lụy là trẻ phát triển xã hội đơn chiều. |
Amy Chua, 49 tuổi, người Mỹ gốc Hoa, là giảng viên Đại học Yale được cư dân mạng gọi là "mẹ hổ". Chồng của Amy Chua cũng là giảng viên luật tại trường Yale. Họ nuôi dạy con theo kiểu Trung Quốc, với những hình phạt nặng nề để trẻ phải xuất sắc trong mọi lĩnh vực. Amy Chua dạy con không xem tivi, không chơi điện tử, không được đạt điểm số dưới A, không chơi nhạc cụ nào khác ngoài violin hay piano... Hai con chị không bao giờ được phép ngủ nhà bạn, tụ tập đi chơi, tham gia các hoạt động vui chơi ở trường, tự chọn các hoạt động ngoại khóa...
Cách dạy con của cha "Đại bàng" họ Hà (Nam Kinh, Trung Quốc) cũng rất khắc nghiệt: Con trai Đa Đa của ông sinh thiếu 2 tháng, các bác sĩ cho rằng cậu sẽ bị nhiều biến chứng về sức khỏe và có thể bị thiểu năng trí tuệ. 10 ngày sau khi ra khỏi lồng kính, ông Hà đã rèn con tập bơi dưới nước ở 25 độ C. 6 tháng tuổi, Đa Đa phải bơi 8 tiếng/ngày. 2 tuổi cậu đã theo cha leo lên tận đỉnh núi Zijin cao gần 500m, mệt thì nghỉ chứ bố không cõng.
Đa Đa học võ thuật, đi xe đạp, đấm bốc và cả... hip hop. Bố cậu tự hào vì từ khi được tập luyện con hoàn toàn khỏe mạnh, những nguy cơ mà bác sĩ nói đều không còn. Thân thể, tinh thần cậu không thua kém bất kỳ đứa trẻ bình thường nào, có khi còn ưu tú hơn. Chỉ số IQ của cậu đạt 218, bố cậu đang chuẩn bị cho con đi học lớp 1 chứ không chờ 3 năm nữa đủ tuổi mới vào tiểu học.
Hiệu quả cách rèn con nghiêm khắc của "mẹ Hổ" là con gái lớn Sophia thành thần đồng piano, còn cô bé Lulu trở thành một nghệ sĩ violin tài năng. Còn Đa Đa 3 tuổi đã tự mình trượt tuyết từ điểm cao tương đương nhà 6 tầng xuống mà không có người lớn đi kèm. 4 tuổi cậu nhận mặt được hơn 3.000 Hán tự (bằng người nước ngoài trưởng thành học tiếng Hán liên tục 18 tháng). Mùa đông 2011 vừa qua cậu vẫn mặc quần lót chạy trong tuyết lạnh -13 độ C. Cậu được đưa vào lớp thiên tài ở New York bởi quá trội so với bạn cùng tuổi.
Thành quả giáo dục con của những "mẹ Hổ", "bố Sói" này khiến nhiều phụ huynh "phát sốt" khi bình luận trên các diễn đàn; thậm chí nhiều người đã lên kế hoạch làm theo để con mình cũng thành đạt như các nhân vật trong cuốn sách. Nhưng nhiều nhà tư vấn tâm lý lại không nghĩ vậy.
Có thể làm đứa trẻ thui chột
Nhà tâm lý Trung Kiên (Trung tâm Tư vấn Gia đình - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho biết, những biện pháp giáo dục trên chỉ nên tham khảo, không nên áp dụng vì quá khắc nghiệt, phản khoa học.
Theo ông Trung Kiên, sự đào luyện khắc khổ đôi khi dẫn đến tác dụng trái ngược: Trẻ sẽ bị thui chột vì áp lực, thậm chí vì không chịu được áp lực trẻ sẽ phản kháng, chống đối, bi quan. Điều quan trọng hơn, sự khắc nghiệt trong cách giáo dục sẽ giết chết tuổi thơ của một đứa trẻ. "Không nhất thiết ép buộc con phải đi theo hướng do cha mẹ chọn, mà tùy năng lực, hoàn cảnh, điều kiện sống để định hướng phát triển cho con", ông Kiên bày tỏ.
Còn chuyên gia tư vấn tâm lý Thu Hiền (Trung tâm tư vấn Thanh Tâm) cho rằng: Bố mẹ nào chẳng muốn con cái sau này giỏi giang nhưng rèn trẻ khắc nghiệt sẽ khiến tâm sinh lý trẻ bất bình thường. "Nếu hỏi ý kiến của những đứa trẻ ấy bị cha mẹ ép vào một quy chuẩn giáo dục hà khắc thì các cháu sẽ bảo chỉ muốn được như những đứa trẻ bình thường khác. Cha mẹ hãy cố gắng lắng nghe những nhu cầu, mong mỏi của trẻ để có cách ứng xử phù hợp", bà Hiền nhận định.
Theo các chuyên gia tâm lý, giáo dục là để phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất, cảm xúc... chứ không chỉ phát triển một mặt nào đó. Kỉ luật hà khắc có thể khiến trẻ rối nhiễu tâm lý, tâm thần, chán học, chống đối, mất khả năng tư duy độc lập... "Nó sẽ làm trẻ mất tính chủ động sáng tạo, không có cơ hội suy nghĩ, tư duy mà chỉ nạp thông tin như cái máy. Giáo dục không chỉ cung cấp cho trẻ kiến thức mà giáo dục là để phát triển toàn diện về cảm xúc, nhận thức, tính cách để tạo nên một cái tôi lành mạnh", ông Kiên bình luận
Ông Kiên cho rằng, cách giáo dục tốt nhất là cha mẹ nên rèn nhân cách cho trẻ từ những thói quen trong gia quy. Tạo điều kiện cho trẻ tận hưởng mọi cảm xúc tích cực qua các hoạt động phù hợp, có sự hướng dẫn, sẻ chia của cha mẹ.
Cha mẹ nên thống nhất rõ chuyện dạy con như: Định hướng rõ mục tiêu phát triển dựa trên những tố chất của con, hoàn cảnh điều kiện vốn có... chứ không phải trên suy nghĩ, sự kỳ vọng của cha mẹ. Nên lập kế hoạch cho con và linh hoạt điều chỉnh theo sự phát triển từng giai đoạn. "Cha mẹ chỉ quan sát, uốn nắn, định hướng phù hợp với khả năng phát triển của con, vì thế rất cần những lớp dạy làm cha mẹ. Nhưng tiếc là ở Việt Nam chưa có những lớp học bài bản dành cho cha mẹ về vấn đề này", ông Kiên nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét