Lan và Hòa cưới nhau chưa được 1 năm thì Lan nhất định đòi ra tòa ly hôn.
Kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) cho biết: tỉ lệ ly hôn ở Việt Nam hiện tăng nhanh và chiếm 31%-40%, nghĩa là cứ ba cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn và tuổi thọ hôn nhân ở Việt Nam càng ngày càng giảm.
Cũng theo thống kê của các trung tâm tư vấn tình yêu hôn nhân gia đình ở TP.HCM, số người đến tư vấn ly hôn chiếm đến 70% trong các ca tư vấn và các lí do để họ quyết định li hôn cũng "muôn hình vạn trạng".
Lan và Hòa cưới nhau chưa được 1 năm thì Lan nhất định đòi ra tòa ly hôn. Lí do mà Lan đưa ra là cô không thể sống chung với một người chồng vừa lười biếng vừa ở dơ như Hòa. Cô cho biết: "Lúc quen nhau thì lúc nào nhìn cũng chỉn chu, sạch sẽ. Về nhà sống chung mới biết là lấy phải người chồng ở dơ kinh khủng, quần áo mặc xong thì vứt lung tung bừa bãi, mặc hết ngày này đến ngày khác. Sợ nhất là cái khoản lười tắm, tối leo lên giường thấy mùi chua rình bảo lão đi tắm thì lão nói tỉnh queo: "Mới tắm hôm kia rồi, còn sạch chán!". Thật là chịu hết nổi, nhiều khi có ai đến chơi nhà mà phát ngượng. Mình thì làm tối mắt còn lão thì không hề biết giúp đỡ gì, cứ như mình là osin trong nhà".
Nhiều cặp vợ chồng mới cưới nhau đã đưa nhau ra tòa ly dị (Ảnh: Internet) |
Còn vợ chồng chị Minh và anh Dương thì ra tòa ly dị khi họ đã lấy nhau được 3 năm và có với nhau 1 đứa con. Họ cưới nhau khi chưa được sự đồng ý của gia đình vì anh Dương hơn vợ suýt soát 20 tuổi tròn. Thế nhưng vì tình yêu nên hai người quyết lấy nhau.
Những tưởng cuộc sống sau khi cưới "chồng già vợ trẻ là tiên", nhưng rồi họ cũng quyết ra tòa li dị. Chị Minh thì nói chồng độc đoán, gia trưởng, nói chuyện với vợ mà như dạy con, đã vậy còn keo kiệt. Còn anh Dương thì cho rằng vợ mình đỏng đảnh, ngang bướng, chăm sóc con thì đểnh đoảng mà nói không chịu nghe. Nhất là tội nói chuyện với chồng mà không tôn trọng chồng, cộng thêm cái tính hoang phí, làm thì ít mà tiêu xài thì nhiều.
Rất nhiều cặp vợ chồng ra tòa ly dị ngay sau khi kết hôn chưa được bao lâu, không phải là họ không có nhiều thời gian để tìm hiểu và hiểu rõ về người bạn đời của mình. Với những người này, cuộc sống gia đình vốn là một màu hồng và chỉ cần hai người yêu nhau là lấy nhau về sẽ sống hạnh phúc. Họ chưa lường hết được cuộc sống gia đình có nhiều điều phức tạp hơn họ tưởng.
Khi về sống chung, gần gũi nhau từng giờ, từng ngày, nhiều tính xấu mới được bộc lộ rõ. Nhiều khi cái xấu ấy là lại là cái mà người kia không thể chấp nhận được. Hoặc khi lấy nhau rồi họ mới phát hiện người chồng mà họ lấy không phải như người chồng họ mong đợi, lấy nhau xong phải đối diện với cuộc sống thực với bao lo toan về cơm, áo, gạo tiền. Họ thấy "vỡ mộng" sau khi kết hôn. Cũng có người cho rằng người bạn đời của mình đã thay đổi sau khi kết hôn…
Trong những trường hợp này, một số người cảm thấy chán nản nhưng đã lỡ bước sa chân thì thôi đành chịu. Còn một số khác thì cho rằng: không thể sống mà chịu đựng nhau cả đời và họ quyết tâm ra tòa li dị.
Thực tế cho thấy nếu đời sống hôn nhân vượt qua được khoảng thời gian thử thách khoảng 3 - 5 năm đầu chung sống thì tỷ lệ thành công và bền vững sẽ cao hơn.
Chuyên gia Tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn Tình yêu Hôn nhân Gia đình - Hội liên hiệp Thanh niên đã chia sẻ: "5 năm đầu tiên sau khi kết hôn là giai đoạn giai đoạn khó khăn và dễ vỡ nhất của hôn nhân. Có tác giả gọi đây là giai đoạn "vỡ mộng" của một cuộc hôn nhân, để diễn tả sự hụt hẫng rất lớn của các cặp vợ chồng trong thời gian đầu chung sống. Hụt hẫng vì bị "rơi" từ giấc mơ của những người đang yêu xuống thực tế của một cuộc sống chung với bao nhiêu chi tiết đời thường. Hụt hẫng còn vì họ chưa được chuẩn bị tâm thế cho cuộc sống chung".
Chuyên gia Tâm lý Hồng Hà cho biết thêm: "Để có một cuộc hôn nhân bền vững, bên cạnh việc tìm hiểu kỹ trước khi kết hôn, các cặp cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để ứng xử với những tình huống trong gia đình. Điều quan trọng là trong giai đoạn đầu hôn nhân, cần xác định cho dù có xung đột thì chỉ có Xây chứ không bao giờ nghĩ đến Phá. Trong cuộc sống vợ chồng không có khái niệm Thắng - Thua, vì "chiến đấu" với nhau thì cho dù ai thắng thì chính cuộc hôn nhân sẽ Thua. Có tác giả còn đưa ra quan điểm: trong hôn nhân không nên phân định rạch ròi Đúng - Sai, điều quan trọng là cả hai cảm thấy thoải mái, vui vẻ là được".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét